Oppo và Vivo cùng nhau nắm giữa hơn 1/3 thị trường smartphone Trung Quốc, dù lãnh đạo của họ chẳng phải là những ngôi sao mạng xã hội như Lei Jun của Xiaomi.
Khi nhà sáng lập kiêm CEO của Xiaomi, Lei Jun, lần đầu xuất hiện trên sân khấu với quần jean và áo thun đen để giới thiệu những mẫu smartphone mới của hãng, người ta gọi ông là “kẻ sao chép Steve Jobs”. Kể từ đó, các nhãn hiệu smartphone Trung Quốc như Xiaomi và đối thủ Huawei đã dần đánh trả Apple và Samsung trên thị trường quốc nội, đồng thời chiếm lấy thị phần đáng kể trên một số thị trường quốc tế.
Dù Lei vẫn thường xuyên lên sân khấu để giới thiệu các sản phẩm của Xiaomi, với những bài phát biểu dài dằng dặc đến 90 phút hoặc hơn, ông dần tạo được danh tiếng cho riêng mình và hiện là một người nổi tiếng trong giới lãnh đạo công nghệ tại thị trường smartphone số 1 thế giới, nơi thị phần của Xiaomi gần gấp đôi Apple.
Công ty smartphone số 1 của Trung Quốc, Huawei Technologies, cũng có một vị lãnh đạo nổi tiếng – Richard Yu Chengdong, giám đốc mảng di động của công ty, với biệt danh “Yu Mạnh Miệng”, người thường xuyên xuất hiện trên sân khấu tại các buổi ra mắt sản phẩm, mới đây từng bay sang Đức để công bố một số mẫu 5G mới của Hưaei.
Lei Jun, sáng lập và là CEO Xiaomi
Đúng như biệt danh của mình, Yu nổi tiếng là một lãnh đạo hoạt ngôn hơn hẳn các vị đồng nghiệp đồng cấp ít tiếng tăm hơn trong công ty. Bên cạnh đảm nhiệm vai trò chủ trì mọi sự kiện ra mắt thiết bị chủ lực mới của Huawei, ông còn tích cực tham gia vào các cuộc phỏng vấn với truyền thông trong nước và quốc tế nhằm quảng bá cho các thiết bị điện tử của Huawei.
Tuy nhiên, khi nói đến các nhãn hiệu smartphone lớn thứ 2 và thứ 3 tại Trung Quốc – Oppo và Vivo – với tổng thị phần chiếm hơn 1/3 thị trường trong nước, và thường được người Trung Quốc nhắc đến với tên gọi “OV” bởi những tương đồng trong các sản phẩm và các chiến dịch marketing của họ, thì chẳng mấy người tiêu dùng biết đến tên của bất kỳ ai trong các công ty này cả.
Dù cả hai nhãn hiệu đều chi ra hàng triệu USD vào các chiến dịch quảng cáo tầm cỡ với sự tham gia của các ngôi sao điện ảnh và ca sỹ, các lãnh đạo của họ điều hành công ty theo một cách khá kín tiếng.
Ấy thế nhưng tại Trung Quốc – nơi có tỷ lệ người dùng thiết bị di động cao nhất thế giới, với gần 1,4 tỷ thiết bị đang hoạt động, gần bằng với tổng dân số, thì việc đưa những vị lãnh đạo nổi tiếng lên sân khấu để quảng bá sản phẩm từ lâu đã luôn được xem là một phương thức hữu hiệu về mặt chi phí.
“Các lãnh đạo của chúng tôi thường không muốn đứng trên sân khấu, và điều hành một cách kín tiếng là một quy tắc ngầm trong nội bộ công ty” – một nhân viên Vivo nói. Các nhân viên của Oppo cũng cho biết tại công ty họ, tình hình không khác là bao.
Phương thức điều hành này có thể xuất phát một phần từ văn hóa của công ty mẹ, BBK Electronics Corps, vốn được thành lập 24 năm trước tại Đông Quan bởi tỷ phú Duan Yongping, “bố già của ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc” – một người đàn ông quyền lực, có tầm ảnh hưởng, nhưng luôn đứng sau hậu trường. Ngoại trừ một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với Bloomberg vào năm 2017, Duan đã nằm ngoài tầm phủ sóng của các phương tiện truyền thông trong 2 thập kỷ qua.
“Sự kín tiếng và thực dụng của Oppo và Vivo đã ăn sâu vào ADN của các nhãn hiệu thuộc tập đoàn BBK” – James Yan, giám đốc nghiên cứu tại Counterpoint Technology cho biết.
Oppo và Vivo được tách ra từ BBK, hiện điều hành một trong những chuỗi cung ứng điện tử tinh vi nhất và lớn nhất thế giới đằng sau khâu sản xuất của một loạt các smartphone cho thị trường toàn cầu thông qua việc sở hữu 4 nhãn hiệu smartphone thành công: Oppo, Vivo, OnePlus, và Realme.
Duan thành lập Oppo vào năm 2004, bổ nhiệm một trong các học trò của mình tại BBK, Tony Chen Yongming, làm CEO. Năm năm sau, Duan thành lập Vivo và chọn một học trò khác, Shen Wei, làm CEO.